1. Tiếp tục phát huy giá trị ngành hàng cá tra sau lễ hội
Đây là đề nghị của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Huỳnh Minh Tuấn – Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Cá tra lần thứ I năm 2022, tại cuộc họp tổng kết lễ hội vào sáng ngày 30/01/2023.
Ban Tổ chức Lễ hội Cá tra lần thứ I họp đánh giá công tác tổ chức
Nhìn tổng quan, Lễ hội Cá tra đã thành công tốt đẹp và đạt được mục tiêu đặt ra. Lễ hội được tổ chức lần đầu tiên, thời gian chuẩn bị ngắn nên không khỏi có những hạn chế, thiếu sót. Do đó, ông Huỳnh Minh Tuấn đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hồng Ngự và các đơn vị có liên quan rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong những lần sau.
Cá tra là ngành hàng quốc gia, vì vậy tổ chức lễ hội phải thực hiện quy mô cấp tỉnh và có định kỳ – ông Huỳnh Minh Tuấn nhấn mạnh; đồng thời đề nghị tiếp tục duy trì, nhân rộng các hoạt động Lễ hội kết hợp du lịch; tạo thêm nhiều sản phẩm chế biến từ cá tra để phát huy giá trị ngành hàng; kịp thời khen thưởng, khích lệ các tập thể, cá nhân đã có nhiều đóng góp cho tổ chức Lễ hội v.v..
Lễ hội Cá tra lần thứ I – năm 2022, với chủ đề “Vươn ra biển lớn” do Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, diễn ra vào ngày 16, 17/12/2022 tại thành phố Hồng Ngự.
Lễ hội có các hoạt động như: Không gian Văn hoá, triển lãm, trưng bày các tác phẩm về cá tra, sản phẩm OCOP và sản phẩm tiềm năng của tỉnh; không gian văn nghệ, biểu diễn ẩm thực các món Âu – Việt và không gian chế biến, phục vụ ẩm thực các món ăn từ cá tra; hóa trang và diễu hành; tour Famtrip “Về Đồng Tháp nghe kể chuyện cá tra; yến tiệc cá tra; thả ngư đăng; thả cá ra môi trường tự nhiên; đua xuồng truyền thống.
Bên cạnh đó, còn có Hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2022; Hội thảo về chuỗi nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ cá tra; Tọa đàm khuyến nông năm 2022. Qua đó, Lễ hội đã thu hút trên 20.000 lượt người tham gia.
Công tác tuyên truyền, quảng bá chuỗi các hoạt động tại Lễ hội trên các phương tiện thông tin đại chúng, Facebook của Ban Tổ chức lễ hội, Cổng thông tin điện tử tỉnh, Báo Đồng Tháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp v.v. được thực hiện hiệu quả. Thống kê, có trên 70 cơ quan Báo, Đài, Youtuber đã đăng tải thông tin, hình ảnh Lễ khai mạc và các hoạt động tại Lễ hội Cá tra.
Nguồn Dongthap.gov.vn
2. Triển khai mô hình “Không gian hành chính phục vụ”
Nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương xây dựng chính quyền thân thiện, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, ngày 30/1/2023, Trung tâm Kiểm soát thủ tục hành chính và Phục vụ hành chính công tỉnh (số 85, Nguyễn Huệ, TP Cao Lãnh) chính thức triển khai thực hiện mô hình “Không gian hành chính phục vụ”.
Lãnh đạo Trung tâm tiếp xúc, trao đổi với người dân
Theo đó, định kỳ sáng thứ hai và sáng thứ 6 hằng tuần, lãnh đạo Trung tâm trực tiếp, chủ động tiếp xúc với các cá nhân, tổ chức để lắng nghe, trao đổi, ghi nhận, xử lý các vấn đề phát sinh. Các ngày làm việc khác trong tuần, công chức, viên chức, nhân viên Trung tâm trực tiếp hỗ trợ khi người dân, doanh nghiệp cần trong giờ làm việc, theo từng lĩnh vực phụ trách. Các sở, ngành tỉnh cử công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên hỗ trợ Trung tâm tư vấn người dân, doanh nghiệp theo lĩnh vực phụ trách tùy điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, khu vực tiếp nhận và trả kết quả của Trung tâm được sắp xếp lại nhằm tạo sự thân thiện trong giao tiếp. Người dân đến giao dịch tại Trung tâm được phục vụ nước uống, sử dụng mạng, máy tính bảng, máy tính để bàn để phục vụ cho công việc… Ngoài ra, Trung tâm còn triển khai triển khai dịch vụ “chăm sóc khách hàng” qua Tổng đài Thông tin dịch vụ công 1022 tỉnh Đồng Tháp.
Mô hình “Không gian hành chính phục vụ” nhằm tạo cảm giác thoải mái, thư giản, gần gũi giữa người dân, doanh nghiệp và công chức, viên chức, nhân viên Trung tâm, qua đó, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có được trải nghiệm tốt nhất khi sử dụng các dịch vụ hành chính công tại Trung tâm Kiểm soát thủ tục hành chính và Phục vụ hành chính công của tỉnh.
Nguồn Baodongthap.vn
3. Vào cuộc mạnh mẽ, triển khai ngay các nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết
Ngay trong buổi sáng của ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (27/01/2023), Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình trước, trong và sau Tết. Bí thư Tỉnh uỷ Lê Quốc Phong và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phan Văn Thắng tham dự và có phát biểu chỉ đạo.
Bí thư Tỉnh uỷ Lê Quốc Phong đề nghị đánh giá thêm các kinh nghiệm trong tổ chức,
chăm lo Tết để thực hiện tốt hơn nữa
Bí thư Tỉnh uỷ Lê Quốc Phong đánh giá cao công tác chuẩn bị, chăm lo Tết cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp để mọi người, mọi nhà đều có Tết, nhất là đã đón một cái Tết: An toàn, an ninh và an vui. Đồng thời, chúc các cấp, các ngành trong năm mới 2023 cùng nhau cố gắng hơn nữa, có phương thức mới và đạt những thành công mới để tạo chuyển biến tích cực trên địa bàn tỉnh.
Với tinh thần bắt tay ngay vào công việc ngay sau Tết, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa chỉ đạo từng ngành phải có kế hoạch triển khai nhiệm vụ trong năm mới. Trong đó, ngành nông nghiệp phải có kế hoạch thực hiện các nội dung của đề án tái cơ cấu ngành, chủ động sản xuất, không để đứt gãy. Các ngành, địa phương nắm bắt tình hình khởi động sau Tết của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu, lao động, thị trường.
Ông Phạm Thiện Nghĩa đề nghị các cấp, các ngành và địa phương
tập trung cho công việc ngay sau Tết
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thống kê tình hình việc làm của người lao động để có kế hoạch đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, khả năng đáp ứng số lượng lao động cho doanh nghiệp.
Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo cần chuẩn bị chu đáo để học sinh trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết; các chủ đầu tư khẩn trương khởi công các công trình đầu tư công để tạo khí thế trong năm mới, đồng thời rà soát các dự án, nhà đầu tư trên địa bàn v.v. – Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu.
Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, trong dịp Tết, các cấp, các ngành, đoàn thể và doanh nghiệp đã tổ chức thăm hỏi, động viên, chúc Tết các bậc lão thành Cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình người có công với Cách mạng, các đối tượng chính sách, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, các lực lượng vũ trang, biên phòng v.v., bảo đảm Tết đến với mọi người và mọi nhà.
Tổng kinh phí chăm lo Tết cho hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng chính sách là hơn 53,5 tỷ đồng.
Tình hình cung cầu, thị trường dịp Tết đảm bảo ổn định, hàng hoá được chuẩn bị đầy đủ, phong phú; hoạt động tiêu thụ hàng hóa nông, thủy sản diễn ra thuận lợi. Sức mua vào các ngày cận Tết tại các chợ truyền thống tăng khoảng 150 – 170% so với ngày thường. Tại các siêu thị, sức mua tăng gấp 300% so với ngày bình thường. Riêng các mặt hàng hoa kiểng, dưa hấu Tết sức mua cũng như lượng tiêu thụ không cao do người dân chi tiêu tiết kiệm trong tình hình kinh tế còn khó khăn sau ảnh hưởng đại dịch Covid-19.
Hoạt động văn hóa, văn nghệ từ tỉnh đến cơ sở diễn ra sôi nổi đúng kế hoạch, tạo không khí vui tươi, phấn khởi đón chào năm mới. Nổi bật là việc tổ chức trang trí đường hoa Xuân thành phố Cao Lãnh, trang trí nhiều cụm tiểu cảnh trong khuôn viên Uỷ ban nhân dân tỉnh, đường hoa Xuân thành phố Sa Đéc, Chương trình nghệ thuật Lễ hội giao thừa mừng Đảng – mừng Xuân Quý Mão năm 2023 được dàn dựng công phu, đặc sắc, sáng tạo thu hút đông đảo người dân đến xem.
Đường hoa thành phố Cao Lãnh thu hút đông đảo người dân, du khách
đến tham quan, chụp ảnh
Từ ngày 20 – 26/01/2023, các khu, điểm du lịch đã thu hút hơn 155.000 lượt khách, tăng hơn 105% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu du lịch đạt hơn 16 tỷ đồng, tăng 362% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguồn Dongthap.gov.vn
Các tin khác