1. Phát triển ngành lúa gạo theo định hướng hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp
Trước khi diễn ra phiên toàn thể Diễn đàn Mekong Startup, có 03 phiên thảo luận trước thềm, trong đó “Chuyển đổi chuỗi lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp” là một trong những phiên thảo luận vào sáng 20/12.
Phiên thảo luận thu hút đông đảo các chuyên gia, doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, các nhà quản lý về nông nghiệp của một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tham gia.
Chủ trì có lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang và Tổng Thư ký Hiệp hội Nông nghiệp số Vida
Các chuyên gia đã chỉ ra bối cảnh, thách thức, những cơ hội cho chuỗi lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long. Cùng với đó, đưa ra một số giải pháp bước đầu để phát triển chuỗi lúa gạo bền vững, kích hoạt năng lực đổi mới sáng tạo, nhằm thúc đẩy phát triển ngành lúa gạo theo định hướng hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp.
Theo đó, sản xuất lúa hiện nay còn nhiều hạn chế, dẫn tới phát thải khí nhà kính cao, đó là lượng giống sử dụng cao và lạm dụng hoá chất nông nghiệp, quản lý nước cho lúa còn chưa tối ưu, thất thoát sau thu hoạch cao và còn tập quán đốt rơm rạ ngay tại ruộng hay vùi rơm trên ruộng ngập nước. Công nghệ, máy móc đầu tư thiếu đồng bộ. Nông dân hạn chế tiếp cận thông tin, công nghệ, thị trường đích (không qua thương lái), đặc biệt về sản xuất lúa bền vững, carbon thấp, GAP v.v..
Giải pháp được nhiều đại biểu đưa ra là cần liên kết mạnh và cụ thể hơn, nhất là giữa nông dân, doanh nghiệp, liên kết để tạo ra cánh đồng mẫu lớn, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ.
Hiện nay, nông dân còn hạn chế kiến thức kinh tế carbon, vì vậy phải giúp mỗi hộ thấy được mỗi ngày họ thải ra môi trường bao nhiêu, cũng như đóng góp bao nhiêu cho nền kinh tế của đất nước, từ đó nâng cao nhận thức trong bảo vệ môi trường, hướng đến thực hành sản xuất lúa gạo bền vững hơn.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển và nhân rộng công nghệ sản xuất lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp, xác định chiến lược phát triển chuỗi giá trị phù hợp với từng vùng, áp dụng tưới ngập khô xen kẻ để giảm phát thải. Cơ giới hoá để hỗ trợ sản xuất nâng cao chất lượng như san phẳng đồng ruộng bằng laser, tối ưu quản lý nước và canh tác, giảm giống, phân bón v.v..
Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn giảm phát thải cũng được các chuyên gia, doanh nghiệp nhắc đến, đặc biệt là chế biến ra sản phẩm giá trị gia tăng từ phụ phẩm của lúa gạo. Chẳng hạn như sản phẩm trấu viên nén, sử dụng rơm làm giá thể trồng nấm, trồng hoa kiểng, thức ăn gia súc, chiết xuất cám để lấy tinh dầu v.v.. Điều này sẽ không gây lãng phí các phế phẩm mà còn thêm giá trị và thu nhập, giảm khí nhà kính tới 30% tổng phát thải carbon của toàn bộ vòng đời cây lúa.
Doanh nghiệp lúa gạo nêu một số kiến nghị tại phiên thảo luận
Các hợp tác xã, nông dân sản xuất lúa gạo cũng mong muốn được hướng dẫn quy trình, biện pháp canh tác lúa gạo hữu cơ, giảm phát thải. Hiện nay, nông dân một số địa phương bắt đầu làm lúa hữu cơ nhưng lợi nhuận và giá bán chưa khác biệt nhiều so với trồng lúa thông thường.
Tại phiên thảo luận, các doanh nghiệp lớn trong ngành hành lúa gạo như Tập đoàn Lộc Trời đã thông tin về những cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị lúa gạo của doanh nghiệp.
Nguồn Dongthap.gov.vn
2. Hàng trăm sản phẩm nông nghiệp và công nghệ quy tụ tại Diễn đàn
Một trong những hoạt động nổi bật của Diễn đàn Mekong Startup lần thứ I – năm 2022 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức đó là triển lãm các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Sáng ngày 20/12, trong khuôn viên Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Đồng Tháp, Ban tổ chức Diễn đàn đã khai mạc không gian triển lãm này.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp hiện là xu hướng tất yếu, là cơ hội và là giải pháp tạo ra động lực mới cho nền nông nghiệp. Việc ứng dụng và chuyển giao những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những công nghệ cơ giới đồng bộ, công nghệ sinh học, công nghệ tuần hoàn, công nghệ 4.0 và công nghệ chuyển đổi số trong nông nghiệp, sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa lớn gắn với bảo vệ môi trường và sản xuất, tạo ra nông sản minh bạch, an toàn, chất lượng, có sức cạnh tranh cao. Qua đó, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa ngành nông nghiệp, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội và bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững.
Do đó, việc tổ chức triển lãm là hết sức cần thiết cho ngành nông nghiệp Việt Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long – ông Huỳnh Minh Tuấn cho biết và nhấn mạnh, đây là hoạt động quan trọng, nhằm giới thiệu những thành tựu về phát triển nông nghiệp, nhất là các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đồng thời, tạo cơ hội cho các tỉnh, thành quảng bá tiềm năng trong lĩnh vực nông nghiệp, giới thiệu sản phẩm, tạo đầu ra cho nông sản, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững, góp phần triển khai Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Không gian triển lãm sản phẩm khởi nghiệp của 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 200 hộ kinh doanh, doanh nghiệp thuộc các ngành hàng chủ lực trong chuỗi giá trị nông nghiệp của vùng như: Trái cây, gạo, thủy – hải sản v.v..
Tất cả sản phẩm đều có nguồn gốc từ tài nguyên bản địa của từng địa phương như sản phẩm từ dừa của Bến Tre, sản phẩm từ sen của Đồng Tháp, cá khô của Kiên Giang, Cà Mau v.v..
Đặc biệt là có nhiều sản phẩm chế biến từ những phụ phẩm tưởng chừng như bỏ đi nhưng trở thành những chính phẩm rất hấp dẫn như: Vỏ bưởi sấy, Collagen từ da cá tra, tinh dầu cám.
Ngoài ra tham gia triển lãm còn có nhiều công nghệ ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp được trưng bày, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp giao lưu, học hỏi, trao dồi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội, đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững.
Nguồn dongthapbssc.vn
3. Đồng Tháp đón 3,4 triệu lượt khách trong năm 2022
Chiều 19/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác văn hóa, thể thao và du lịch năm 2022, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2023.
Ông Nguyễn Hữu Đạt – Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đoàn Tấn Bửu – Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh tham dự, bà Huỳnh Thị Hoài Thu – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì Hội nghị
Trong năm 2022, các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch được tổ chức theo hướng thích ứng trạng thái bình thường mới. Sở tập trung chỉ đạo, triển khai tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các sự kiện lớn như: Lễ hội Sen, Giải Marathon Đất Sen hồng lần I, thành phố Cao Lãnh được kết nạp là thành viên của Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO v.v.. Những sự kiện nổi bật trên đã góp phần xây dựng văn hoá, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo.
Các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật quần chúng đã đáp ứng nhu cầu giải trí của nhân dân; hoạt động phát triển văn hóa đọc được chú trọng thực hiện; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt nhiều kết quả tích cực.
Phong trào thể dục, thể thao phát triển rộng rãi và từng bước nâng cao chất lượng. Công tác xã hội hóa và thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao được đẩy mạnh và nhân rộng. Nhiều vận động viên tỉnh đạt thành tích cao tại các giải thi đấu thể thao trong nước và quốc tế.
Ngành du lịch tỉnh có nhiều điểm sáng sau 02 năm khó khăn do đại dịch Covid-19. Năm 2022, tỉnh đón trên 3,4 triệu lượt khách, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu 1.500 tỷ đồng, đạt 150% kế hoạch năm, tăng gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Công tác truyền thông quảng bá các địa điểm du lịch, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch được chú trọng thực hiện.
Ông Nguyễn Hữu Đạt – Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh ấn tượng với những thành tích nổi bật mà ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Đồng Tháp đạt được. Thời gian tới, ngành du lịch cần tăng chỉ tiêu lưu trú của du khách; xây dựng thương hiệu quốc tế về du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp; tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động cấp khu vực nhằm góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Đồng Tháp. Đồng thời, tỉnh cần thúc đẩy bình đẳng giới, tăng cường chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy ngành văn hóa, thể thao và du lịch phát triển toàn diện.
Nguồn Dongthap.gov.vn
4. TP Sa Đéc đẩy mạnh phát triển du lịch Làng nghề bột và Làng nghề hoa kiểng
ĐTO – Làng nghề bột Sa Đéc và Làng nghề hoa kiểng Sa Đéc mang lại nhiều giá trị về vật chất lẫn tinh thần cho TP Sa Đéc. Các sản phẩm bonsai, hoa kiểng, bột và sau bột của TP Sa Đéc đang là những mặt hàng xuất khẩu có nhiều triển vọng.
Du khách tham quan, trải nghiệm và chụp ảnh tại Khu du lịch Vườn hồng Tư Tôn (phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc). Ảnh: Ngọc Tâm
Thời gian gần đây, TP Sa Đéc chú trọng phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống. Đây được xem là bước đi đúng đắn, không chỉ mở rộng thị trường, mở ra nhiều cơ hội để thúc đẩy việc phát triển sản xuất các sản phẩm làng nghề truyền thống, mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề của thành phố. Theo Phòng Văn hóa – Thông tin TP Sa Đéc, nhằm tạo điểm nhấn quan trọng trong việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh làng nghề của thành phố và đẩy mạnh phát triển du lịch, TP Sa Đéc đã tập trung xây dựng hệ thống nhận diện hình ảnh của làng nghề với những nét đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử – văn hóa, ẩm thực gắn với lịch sử hình thành và phát triển của thành phố. Bên cạnh đó, TP Sa Đéc đầu tư chỉnh trang đô thị theo hướng ngày càng đẹp và khang trang hơn, hình thành hạ tầng để phát triển du lịch (các khu phố đi bộ, phát triển kinh tế đêm), xây dựng Brochure để quảng bá Làng nghề hoa kiểng Sa Đéc và Làng nghề bột Sa Đéc…
Ngoài việc phát triển Làng nghề bột Sa Đéc, Làng nghề hoa kiểng Sa Đéc trở thành Làng Văn hóa du lịch, TP Sa Đéc cũng quan tâm trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, tạo điều kiện cho du khách đến tham quan, qua đó, lượng khách du lịch đến tham quan các điểm di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố ngày càng tăng như: nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, chùa Kiến An Cung, Trường Tiểu học Trưng Vương… Năm 2022, TP Sa Đéc phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tổ chức thành công kỷ niệm các ngày lễ lớn, Lễ hội Hòa Bình, Lễ hội Độc lập với nhiều hoạt động như: hội thi vẽ tranh thiếu nhi, tổ chức triển lãm và trưng bày sách về “Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, hội thi ẩm thực đường phố với các món ăn được làm từ bột… Các hoạt động trên tạo được nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách về con người và tiềm năng phát triển du lịch của thành phố.
Có thể nói, TP Sa Đéc đã nỗ lực phát triển làng nghề truyền thống để bắt kịp với xu thế, việc làm này vừa lưu giữ giá trị văn hóa vừa phát huy giá trị văn hóa làng nghề, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn và phát triển làng nghề, tương xứng với tiềm năng thế mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Để các làng nghề được bảo tồn và phát triển, thời gian tới, TP Sa Đéc tập trung rà soát việc quy hoạch xây dựng các làng nghề kết hợp với du lịch theo chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề. Trong đó, chú trọng đến công tác bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống và phát triển làng nghề mới. TP Sa Đéc cũng quan tâm triển khai kịp thời các chính sách khuyến khích phát triển làng nghề, nhất là tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất kinh doanh ở làng nghề hoa kiểng, làng nghề bột được tiếp cận các chính sách ưu đãi. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong hoạt động sản xuất, từng bước đổi mới công nghệ phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Qua đó, xây dựng Làng nghề bột Sa Đéc và Làng nghề hoa kiểng Sa Đéc từng bước phát triển hiện đại, thân thiện với thiên nhiên, đậm nét văn hóa địa phương, tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách khi tham quan, trải nghiệm du lịch làng nghề tại TP Sa Đéc.
Nguồn baodongthap.vn
5. Khởi động Dự án xây dựng sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn
ĐTO – Trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Startup lần I năm 2022, sáng ngày 19/12, tại khách sạn Sao Mai (TP Cao Lãnh), Công ty CP Chỉ số nông nghiệp (Agri Index) tổ chức Lễ công bố khởi động Dự án (DA) xây dựng sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Tham dự lễ công bố có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan; phía tỉnh Đồng Tháp Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn cùng đại diện lãnh đạo sở, ngành tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng tại Lễ công bố
Sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo là hình thức kinh doanh thương mại điện tử giữa doanh nghiệp (DN) với DN trong vòng kinh tế tuần hoàn ngành lúa gạo. DA được đầu tư và vận hành bởi Công ty Agri index, trụ sở tại TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Sàn được tư vấn mô hình hoạt động bởi Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp và hỗ trợ phát triển mạng lưới DN tham gia củaTrung tâm Xúc tiến thương mại, du lịch và đầu tư tỉnh Đồng Tháp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ câu chuyện “Chuỗi vòng tròn tuần hoàn lúa gạo”
Theo đó, trong giai đoạn vận hành thử nghiệm, tính đến ngày 19/12, DA đã quy tụ được 125 đơn vị phía Nam và 8 đơn vị phía Bắc tham gia thử nghiệm các tính năng giao dịch trên sàn với khối lượng chào bán thử nghiệm do các DN đề xuất là 20.000 tấn/tháng với tỷ lệ giao dịch thành công chiếm khoảng 40% và khả năng xử lý 100 giao dịch thành công/ngày.
DA dự kiến chính thức hoạt động vào tháng 3/2023. Khi sàn được cấp phép và chính thức đi vào hoạt động, sẽ là cầu nối cho 300 DN giao thương với khối lượng chào bán khoảng 50.000 tấn/tháng và tỷ lệ giao dịch thành công chiếm khoảng 50%. 100% các giao dịch đều đảm bảo nguyên tắc minh bạch, công khai và đúng pháp luật. Sau khi được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cấp phép, sàn hoạt động tại tên miền SANPHUPHAM.VN và App Mobile AGRIINDEX chạy trên nền tảng Androi và IOS.
Lễ ký kết giữa các đối tác chiến lược
Điểm khác biệt của DA là 100% các đơn vị tham gia DA đều được chuyên viên của Agri index hỗ trợ xây hồ sơ năng lực và đảm bảo tính xác thực của nhu cầu mua và bán sản phẩm. Đồng thời tích hợp công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Bigdata) và trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ người mua, người bán giao dịch hiệu quả hơn với các tính năng: phân tích số liệu và dự báo thị trường, đánh giá năng lực nhà cung cấp, gợi ý đơn hàng phù hợp, theo dõi vận đơn và tối ưu chi phí vận chuyển với mạng lưới đối tác cung cấp dịch vụ vận chuyển được phân bố tại các vựa gạo lớn của miền Tây…
Thực hiện nghi thức khởi động dự án sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn
Phát biểu tại lễ công bố, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề cao tính tuần hoàn trong các mối quan hệ, đặc biệt là việc khởi động DA sàn giao dịch gạo và phụ phẩm ngành gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao giá trị; chia sẻ nhiều câu chuyện sản xuất nông nghiệp của người Nhật. Trong đó, đề cao tinh thần xem nông nghiệp là sự tôn sùng, đam mê, gửi hồn vào sản phẩm nông sản; tinh thần nông dân tập trung vào việc chăm chút hạt gạo, sản xuất hữu cơ, vì sức khỏe của người tiêu dùng. Từ đó làm ra hạt gạo chất lượng…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu, DN, cơ sở sản xuất và người nông dân tham gia vào DA phải cùng nhau liên kết lại để làm ăn chung cùng phát huy giá trị hạt gạo. Cùng với đó, tập trung vào sự đa dạng sinh học trong ngành nông nghiệp; áp dụng công nghệ vào kinh doanh để kết nối người cần mua và người cần bán giúp tạo ra giá trị bền vững cho ngành hàng lúa gạo… Đồng thời phát huy sức mạnh công nghệ số để tạo ra giá trị gia tăng cho ngành hàng lúa gạo, phải cùng nhau tạo ra được cảm xúc tích cực trong mỗi cá nhân…
Nguồn baodongthap.vn
6. “Phải tập trung vực dậy và giữ hình ảnh của thương hiệu quýt hồng Lai Vung”
ĐTO – Đó là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khi đến thăm các mô hình quýt hồng chuẩn bị Tết của nông dân huyện Lai Vung và công tác chuẩn bị Lễ hội quýt hồng lần thứ I năm 2023, chiều ngày 18/12.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan (bìa phải) thăm vườn quýt hồng của nông dân tại xã Tân Phước, huyện Lai Vung
Theo UBND huyện Lai Vung, sau thời gian khắc phục hiện tượng vàng lá thối rễ, chết xanh trên cây có múi. Hiện, toàn huyện có khoảng 300ha canh tác cây quýt hồng. Điều này mang lại hiệu quả lớn, giúp nông dân tự tin tiếp tục phát triển cây quýt thế mạnh của địa phương.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ câu chuyện của các nền nông nghiệp tiên tiến, hữu cơ; chế biến nông sản…; động viên, khuyến khích nông dân tiếp tục sản xuất nông nghiệp sạch, hướng đến hữu cơ, tận dụng và phát huy hết những lợi thế của địa phương.
Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới, các ngành, các cấp huyện Lai Vung phải thường xuyên gần gũi, chia sẻ, động viên, khuyến khích lan tỏa các mô hình canh tác nông nghiệp hiệu quả. Trong đó, phải tập trung vực dậy và giữ hình ảnh của thương hiệu quýt hồng Lai Vung; xây dựng các tổ, câu lạc bộ nông dân sản xuất hữu cơ, sạch… Đồng thời, yêu cầu huyện tập trung các khâu chuẩn bị cho Lễ hội quýt hồng lần thứ I năm 2023. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hỗ trợ huyện trong việc tổ chức các hội thảo, hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất cây có múi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp…
Nguồn Baodongthap.vn
Các tin khác