1. Long trọng tổ chức Lễ giỗ lần thứ 93 cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Sáng 20/11, tại Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc, Lễ giỗ lần thứ 93 của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được tổ chức trong không khí trang trọng, thể hiện lòng thành kính, biết ơn với công lao của cụ Phó bảng – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lỗ giỗ lần thứ 93 của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được tổ chức long trọng, thể hiện lòng biết ơn đối với công lao to lớn của cụ
Đến dự có ông Lê Quốc Phong – Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; ông Phan Văn Thắng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy/Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Bí thư Tỉnh ủy/Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh; bà Nguyễn Thị Mai Hoa – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội; các đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương và nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện dòng họ Nguyễn Sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ An cùng nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh dâng vật phẩm trong Đền thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Tại Đền thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện nghi thức dâng hương, dâng phẩm vật lên bàn thờ và mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của Cụ Phó bảng với dân tộc Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh dâng hương thể hiện lòng thành kính, biết ơn tại mộ phần cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Năm nay, các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ Quỹ Khuyến học Nguyễn Sinh Sắc số tiền hơn 12,4 tỷ đồng để trao học bổng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Bí thư Tỉnh uỷ Lê Quốc Phong tặng Bảng vàng tri ân cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, ủng hộ cho Quỹ Khuyến học Nguyễn Sinh Sắc.
Bà Huỳnh Thị Hoài Thu – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Lễ giỗ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức hằng năm nhằm thể hiện lòng thành kính và biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của cụ, người đã “gieo mầm cách mạng” trên quê hương Đồng Tháp.
Đặc biệt năm nay, Lễ giỗ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trùng vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam nên tỉnh tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát huy tinh thần hiếu học, truyền thống yêu nước của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, góp phần giáo dục lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ.
Trong thời gian tới, Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc sẽ tiếp tục hoàn thiện, tu bổ các hạng mục công trình để đạt các tiêu chí xứng tầm di tích cấp quốc gia đặc biệt vào năm 2025. Đồng thời, xây dựng hệ thống nhận diện hình ảnh Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc, ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu đến khách tham quan về hình ảnh Khu Di tích.
Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, Lễ giỗ còn có phần hội với nhiều hoạt động như: Tái hiện hình ảnh cụ Sắc bốc thuốc trị bệnh cho dân; tái hiện không gian văn hóa chợ quê, khu ẩm thực các món ăn truyền thống như: bánh dân gian, bánh xèo, bánh khọt, bánh ít, chè, xôi v.v.; triển lãm ảnh: Quê hương tôi Đồng Tháp – Đất Sen hồng; Hội thi Rung chuông vàng “Tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc”; tái hiện cuộc thi Trạng nguyên.
Nguồn Dongthap.gov.vn
2. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc An Hữu – Cao Lãnh
Chiều ngày 21/11, Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc An Hữu – Cao Lãnh, do Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong làm Trưởng Ban đã họp về tình hình thực hiện Dự án.
Về cân đối tổng mức đầu tư dự án để đảm bảo hiệu quả, khả thi nhất cũng được Ban Chỉ đạo thảo luận tại cuộc họp
Tại cuộc họp, đơn vị tư vấn trình bày với Ban Chỉ đạo về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu, giai đoạn 1 (Dự án thành phần 1).
Về tiến độ thực hiện dự án, Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết, đến ngày 18/11 đã cắm được 516/623 cọc giải phóng mặt bằng bằng bê tông, thuộc Dự án thành phần 1 trên địa bàn huyện Cao Lãnh; đã bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất được 422 cọc giải phóng mặt bằng.
Dự án thành phần 1 có diện tích thu hồi đất khoảng 55,4 ha, có 450 hộ dân bị ảnh hưởng, số nhà ở thu hồi là 45 căn, trên 23.800 cây trồng các loại.
Sở Giao thông vận tải đã có văn bản trình Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án (Dự án thành phần 1).
Xác định đây là công trình cao tốc trọng điểm của tỉnh và có nguồn vốn đầu tư lớn, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong đề nghị các bộ phận có liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nội dung công việc của dự án, cũng như phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương để triển khai các bước tiếp theo, đảm bảo khởi công theo mục tiêu đề ra (dự kiến 30/4/2023).
Bí thư Tỉnh ủy thống nhất theo ý kiến của Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh là nghiên cứu nâng giá bồi thường một số loại cây trồng cho phù hợp và sớm thống nhất phương án bồi thường, phê duyệt trong tháng 12.
Hai địa phương có dự án đi qua (huyện Cao Lãnh, huyện Tháp Mười) đẩy nhanh tiến độ hoàn chỉnh hạ tầng, phương án bố trí nền tái định cư để người dân ổn định cuộc sống – Bí thư Tỉnh ủy đề nghị.
Nguồn Dongthap.gov.vn
3. Nhiều giải pháp công nghệ số thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn
Hội thảo với chủ đề Doanh nghiệp công nghệ số thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn, diễn ra vào sáng 22/11 tại thành phố Cao Lãnh, do Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp phối hợp tổ chức.
Hội thảo diễn ra với 02 phiên thảo luận về thị trường và nhu cầu chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; sản phẩm, giải pháp công nghệ số thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Huỳnh Minh Tuấn: Tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Đề án Chuyển đổi số và các đề án chuyển đổi số ở các ngành: Nông nghiệp, Y tế, Giáo dục
Ông Huỳnh Minh Tuấn – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng một số mô hình ứng dụng công nghệ số tiêu biểu trong nông nghiệp như: Sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu; ứng dụng bẫy đèn thông minh để dự báo sâu rầy; ứng dụng ảnh viễn thám để xác định diện tích cây trồng; hệ thống bơm tưới tự động.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu, còn khá rời rạc trong chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp, rất cần sự tham gia tư vấn, cung cấp giải pháp về phát triển nông nghiệp, nông thôn của các doanh nghiệp.
Tham luận của Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vùng 1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đã cho thấy cơ quan quản lý nhà nước có nhu cầu lớn trong ứng dụng công nghệ để chuyển đổi số, nhằm phát triển, quản lý ngành nông nghiệp hiệu quả hơn.
Để đẩy mạnh hơn nữa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các doanh nghiệp công nghệ số xây dựng công nghệ dự báo phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung cấp thông tin về thời tiết, chất lượng đất đai, thị trường; phát triển các ứng dụng công nghệ số trong sản xuất như: IoT, tự động hóa vào quy trình sản xuất; xây dựng các nền tảng ứng dụng các công nghệ trên nền tảng di động, chuỗi khối (Blockchain) vào truy xuất nguồn gốc nông sản v.v..
Với những nhu cầu đó, tại hội thảo, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đồng Tháp đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 06 đơn vị có giải pháp chuyển đổi số phát triển nông nghiệp, nông thôn số.
Nguồn Dongthap.gov.vn
Các tin khác