Điểm báo ngày 8/12/2022

1. Trên 1 triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập Nghị quyết

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức diễn ra từ ngày 05 đến 06/12.

Hội nghị trực tuyến đến 11.632 điểm cầu các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương. Tại Đồng Tháp, bên cạnh điểm cầu tỉnh còn có các điểm cầu cấp huyện, xã.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và nguyên lãnh đạo Trung ương, nguyên lãnh đạo tỉnh nghiên cứu, học tập Nghị quyết

Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ nghe 04 chuyên đề: “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 27-NQ/TW); “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” (Nghị quyết số 28-NQ/TW); “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 29-NQ/TW); “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (Nghị quyết 138-NQ/CP). Những chuyên đề này do các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng trực tiếp truyền đạt.

Trong ngày đầu tiên, các đại biểu nghe đồng chí Phan Đình Trạc – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”. Đồng chí Trương Thị Mai – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương báo cáo chuyên đề “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.

Sau hội nghị quán triệt, các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương dành thời gian để triển khai xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Hội nghị.

Nguồn Dongthap.gov.vn

2. Đồng Tháp tổ chức Diễn đàn khởi nghiệp cấp vùng về nông nghiệp

Với chủ đề “Nông nghiệp hiện đại, tuần hoàn, phát thải thấp”, Diễn đàn Mekong Startup lần I năm 2022 diễn ra từ ngày 19 đến 20/12, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Đồng Tháp.

Diễn đàn có sự phối hợp giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ). Sáng ngày 04/12, Ban Tổ chức Diễn đàn đã họp để thống nhất một số nội dung.

Đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thông tin về nội dung Diễn đàn

Theo Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân, điểm nhấn của Diễn đàn Mekong Startup lần này đó là cam kết chung về mục tiêu giảm phát thải, đồng thời xây lộ trình hành động mạnh mẽ, quyết liệt để đồng hành cùng Chính phủ trong nỗ lực hiện thực hóa những cam kết giảm phát thải được Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại COP 26.

Đối với các doanh nghiệp lớn có tính dẫn dắt được củng cố niềm tin khi tham gia vào quá trình “từ bài toán đi tới hành động” – cùng thảo luận để làm rõ vấn đề của từng ngành hàng chủ đạo (lúa gạo, thủy – hải sản, trái cây) và các chương trình hành động tương ứng xuyên suốt.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp, Diễn đàn là nơi đầu tiên cập nhật, cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp tại khu vực những thông tin chính thống và có hệ thống liên quan đến các cam kết và yêu cầu bắt buộc giảm phát thải khí nhà kính, tác động trực diện của vấn đề này tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và gợi mở một số định hướng, giải pháp bước đầu.

Diễn đàn sẽ có 03 phiên thảo luận trước thềm phiên toàn thể, xoay quanh chuyển đổi chuỗi lúa gạo, thủy – hải sản, trái cây vùng Đồng bằng sông Cửu Long hướng tới hiện đại, bền vững, phát thải thấp. Phiên toàn thể xoay quanh nội dung về bối cảnh và các thách thức, cơ hội đặt ra cho ngành nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long để hướng tới mục tiêu hiện đại, bền vững, phát thải thấp; giải pháp bước đầu và hành động ưu tiên để ngành nông nghiệp đạt mục tiêu đề ra.

Ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị sớm công bố Diễn đàn để nhiều tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp và người dân quan tâm, tham gia. Ông cũng cho rằng, chủ đề Diễn đàn còn khá mới, do đó mục tiêu Diễn đàn không phải là tạo ra sản phẩm ngay mà kích hoạt cách tiếp nhận, nhận thức và sự đồng hành cho tỉnh Đồng Tháp và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về giảm phát thải.

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tập trung khai thác tính mới của Diễn đàn để thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Trong đó, thông qua tổ chức Diễn đàn sẽ góp phần nâng cao hình ảnh địa phương, nâng tầm chương trình khởi nghiệp của địa phương – bởi doanh nghiệp khởi nghiệp không tạo ra sản phẩm đơn thuần mà còn tạo ra sản phẩm đón đầu xu thế thị trường, xu thế xanh; làm cho doanh nghiệp lớn thực sự đồng hành, dẫn dắt doanh nghiệp khởi nghiệp, từ đó xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.

Tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Huỳnh Minh Tuấn và các sở, ngành tỉnh cùng trao đổi và thống nhất các nội dung liên quan đến bộ nhận diện Diễn đàn, tổ chức các phiên thảo luận, truyền thông, trang trí, khánh tiết, quà tặng đại biểu v.v..

Nguồn Dongthap.gov.vn

3. Tỉnh giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 60%

ĐTO – Tổng số kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 (kể cả vốn năm 2021 kéo dài chuyển sang) của tỉnh là 5.9006,547 tỷ đồng, giải ngân đến ngày 15/11/2022 là 3.499,936 tỷ đồng, đạt 59,26%, cao hơn 15,40% so với cùng kỳ (ngày 30/11/2021, đạt 43,86).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, có 12 đơn vị thuộc sở, ngành tỉnh đạt tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh (trung bình của tỉnh là 59,26%). Chẳng hạn, Ban Quản lý Khu Kinh tế đạt 11,30%, chủ yếu do thực hiện dự án hạ tầng Khu Công nghiệp Tân Kiều còn chậm (dự án đã triển khai từ năm 2018 đến nay vẫn chưa xử lý dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng) và dự án tuyến đường D-01 nối từ Cụm Công nghiệp Quảng Khánh đến Quốc lộ 30 tuyến tránh TP Cao Lãnh triển khai chậm, đến nay chưa ký hợp đồng thi công và chưa giải phóng mặt bằng. Sở Tài nguyên và Môi trường giải ngân đạt 30,37%. Nguyên nhân chủ yếu là các dự án chuyển tiếp đã được thanh toán khối lượng hoàn thành ở những tháng đầu năm và dự án kho lưu trữ thuộc Sở đang xin chủ trương thực hiện phát sinh một số hạng mục. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 36,59%, chủ yếu do Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Đồng Tháp và chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững đồng bằng sông Cửu Long (MD-ICRSL) – WB9; Tiểu dự án nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững thích ứng với khí hậu cho vùng Đồng Tháp Mười – các huyện phía Bắc tỉnh Đồng Tháp đến nay cơ bản đã hoàn thành và dự kiến không giải ngân hết cả năm là khoảng 132,003 tỷ đồng…

Đến nay, UBND cấp huyện cơ bản triển khai tương đối tốt và tỷ lệ giải ngân đạt cao như: TP Sa Đéc đạt 87,55%, huyện Tháp Mười đạt 80,83%, TP Cao Lãnh đạt 75,35%… Tuy nhiên, có 3 huyện giải ngân còn thấp hơn mức trung bình của tỉnh. Cụ thể, huyện Thanh Bình đạt 34,69%, chủ yếu do dự án phát triển cơ sở hạ tầng tỉnh Đồng Tháp (dự án Cù lao Tây) đang triển khai rất chậm, do vướng đền bù và các thủ tục đầu tư liên quan; dự kiến cuối năm không giải ngân hết là 196 tỷ đồng. Huyện Cao Lãnh giải ngân đạt 55,84%, chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn chậm do người dân chưa thống nhất giá bồi thường, phải tổ chức vận động nhiều lần. Huyện Tân Hồng giải ngân đạt 58,40%, chủ yếu do dự án bố trí ổn định dân cư Dinh Bà, xã Tân Hộ Cơ, chưa giải ngân 35 tỷ đồng đã bố trí, do điều chỉnh địa điểm xây dựng và dự kiến cuối năm không giải ngân khoảng 15 tỷ đồng; chậm báo cáo khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết đến UBND tỉnh như: công tác giải phóng mặt bằng của dự án cầu Tân Thành B, dự án đường ĐT845 đoạn Trường Xuân – Tân Phước…

Nguồn Baodongthap.vn

4. Giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi trên không gian mạng

Uỷ ban nhân dân tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng trên không gian mạng giai đoạn 2022 – 2030” trên địa bàn tỉnh.

Chương trình đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có trên 100% cán bộ đoàn, hội, đội, đoàn viên, hội viên và 90% thanh niên, thiếu niên được tuyên truyền và tích cực thực hiện Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội; 100% cán bộ đoàn, đoàn viên học tập các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương mới của Đảng, của Đoàn thông qua các nền tảng số của Đoàn; trên 90% thanh niên sử dụng và tương tác thường xuyên với ứng dụng di động “Thanh niên Việt Nam”; 100% cán bộ làm công tác thanh niên, thiếu niên và nhi đồng được bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh trên không gian mạng v.v..

Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đề ra 07 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến không gian mạng, an toàn thông tin trên môi trường mạng, về chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, công dân số và những vấn đề thanh niên, xã hội quan tâm; tăng cường công tác phối hợp, tiến hành rà soát và yêu cầu các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan áp dụng biện pháp phù hợp xử lý các kênh thông tin có nội dung tiêu cực, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, kích động, tác  động xấu đến thanh niên, thiếu niên, nhi đồng theo đề nghị của cơ quan chức năng có thẩm quyền; triển khai hiệu quả Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp” trên không gian mạng v.v..

Nguồn: 405/KH-UBND

5. Thực hiện văn hoá trong bảo vệ tiền Việt Nam

Để bảo vệ tiền Việt Nam, đồng thời nâng cao ý thức và am hiểu pháp luật trong sử dụng tiền Việt Nam đúng quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức và người dân, ngày 02/12, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn về việc tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thực hiện văn hoá trong bảo vệ tiền đồng Việt Nam.

Theo đó, Uỷ ban nhân dân tỉnh giao Thủ trưởng các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và vận động nhân thân biết về những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng tiền đồng Việt Nam được quy định tại Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg ngày 30/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ để tránh vi phạm pháp luật do thiếu thông tin.

Uỷ ban nhân dân tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, các Sở, ngành tỉnh, Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng tiền đồng Việt Nam, kiểm tra nhắc nhở các cơ sở kinh doanh hoa trên địa bàn tỉnh sử dụng tiền đồng Việt Nam đúng theo quy định.

Theo Quyết định số 130/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, những hành vi sau đây là vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm:

– Làm tiền giả, vận chuyển, tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả.

– Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào.

– Sao chụp tiền Việt Nam với bất kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.

– Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, thời gian gần đây, hoa được kết bằng tiền thật được nhiều người ưa chuộng, nhất là các bạn trẻ dùng để tặng nhau vào những ngày lễ đặc biệt như: Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 hay ngày sinh nhật v.v..

Nguồn: 1321/UBND-KT

Các tin khác